Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Những thay đổi giúp cho người nông dân bớt khổ hơn

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh cơ khí hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, người làm nông không còn phải thức khuya dậy sớm, không phải đầu tư nhiều công sức, chi phí sản xuất giảm đáng kể, trong khi năng suất đạt cao hơn.

CƠ KHÍ HÓA LÊN NGÔI

Nếu như cách đây vài năm, cánh đồng lúa Tuy Hòa phải mất cả tháng trời để thu hoạch thì nay, nhờ có máy nông nghiệp đại, thời gian được rút ngắn hơn một nửa. Không chỉ giảm thiểu về mặt thời gian, cơ khí hóa trong nông nghiệp đã và đang giúp cho công việc nhà nông bớt phần vất vả và tiết kiệm chi phí hơn.

Trong trí nhớ của chàng sinh viên Nguyễn Văn Hội (thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa), mùa gặt thường sôi nổi khắp cả làng và kéo dài cả tháng trời với nhiều nỗi lo toan, vất vả. “Mới 2-3 giờ sáng, cả xóm đã thức giấc; điện ở các nhà bếp bật lên; tiếng xoong nồi lẻng xẻng; tiếng gọi nhau ra đồng... Những phụ nữ trong làng trở dậy, nấu cơm ăn lót dạ hay nhúng bánh tráng cuốn cơm nguội với cá kho để mang ra đồng. Có tiếng mở cửa ngõ và rồi chiếc xe đạp này nối đuôi chiếc kia, lọ mọ đi trong đêm tối làm cho đường cái giữa khuya chộn rộn hẳn lên. Ra đến cánh đồng, trời vẫn tối như bưng, nhưng mọi người bắt tay vào làm việc ngay. Đến gần sáng, những người cắt lúa gom lúa bó gánh vào góc ruộng để cộ bò kéo về sân phơi”, anh Hội nhớ lại. Thế nhưng, chàng thanh niên trẻ rất ngạc nhiên bởi lần đầu tiên sau 4 năm học đại học, anh trở về nhà đúng vào mùa gặt thì nhận ra không khí thu hoạch lúa ở làng quê đã đổi thay đáng kể. Anh vui vẻ nói: “Cứ nghĩ lần này về là “trúng mánh” rồi vì phải giúp ba mẹ gánh lúa, đập lúa, bốc vác, sẽ phải thức khuya dậy sớm, làm “trầy vi tróc vảy”, nhưng thật bất ngờ vì hầu hết các khâu thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa, nhà nông cứ ngủ đẫy giấc cho đến khi chủ máy gặt đập liên hợp gọi ra đồng. Nhờ máy móc hiện đại, các loại máy nông ngư cơ tốt,máy có thể vừa cắt, vừa tuốt, lại có người đứng trên máy cho lúa vào bao nên chỉ vài tiếng đồng hồ là từng bao lúa được xe cải tiến chở về nhà, chẳng cần phải chờ đợi máy tuốt, chẳng cần tranh giành sân phơi, không cần thức đêm canh lúa!”.


Cả đời gắn bó với mảnh ruộng, lão nông Lê Hậu (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) vừa hớp ngụm trà vừa bàn về chuyện làm nông. Ông bảo cả đời làm nông, đến cái tuổi gần thất thập, chưa lúc nào ông thấy công việc nhà nông khỏe đến thế. Nhờ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ứng dụng vào nông nghiệp, giờ đây làm việc gì cũng có máy móc công cụ hỗ trợ. Sạ cũng có máy sạ hàng, lúa mọc đều thẳng tắp, tiết kiệm giống, tiết kiệm công nhổ bỏ chỗ lúa dày. Công việc cấy dặm trước đây khó nhọc bây giờ đã có công cụ hỗ trợ là cuốc chỉa, giúp người làm nông không phải khom lưng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đến khi lúa chín, máy gặt đập liên hợp chạy một loáng trên ruộng là xong; đến cái xúc lúa cũng được cải tiến thật tiện lợi…

Còn ông Phạm Đình Tâm (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) rất phấn khởi khi cơ giới hóa không chỉ giảm thiểu sức lao động mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí thu hoạch lúa. Ông Tâm cho biết, nếu như thu hoạch theo kiểu thủ công, mỗi khẩu (450m2) ruộng cần 3 công cắt (mỗi công 50.000 đồng), một công gánh (mỗi công 100.000 đồng), khoảng 100.000-150.000 đồng tiền tuốt và kéo lúa về nhà thì khi sử dụng máy gặt đập liên hợp chỉ phải tốn 165.000 đồng và vài chục nghìn đồng cho chi phí vận chuyển lúa về nhà. Như vậy, nhờ cơ giới hóa, chi phí thu hoạch lúa đã giảm gần một nửa. Kèm theo đó, việc thất thoát lúa trong quá trình vận chuyển, gặt, đập cũng giảm thiểu đáng kể.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét